Công an huyện Hữu Lũng cảnh báo một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng dịp cận Tết Nguyên đán 2024

Dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần, cũng là thời điểm tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu của người dân để chiếm đoạt tài sản, tuy không phải những chiêu trò mới nhưng với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng đã khiến nhiều nạn nhân sập bẫy...

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đồng thời nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò của đối tượng lừa đảo qua không gian mạng, Ngày 02/01/2024, Công an huyện Hữu Lũng đã ban hành Công văn số 10/CAH về việc cảnh báo một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng dịp cận Tết Nguyên đán 2024, nội dung cụ thể như sau:

1. Lừa đảo mua vé máy bay, tour du lịch, đặt phòng khách sạn giá rẻ

– Hình thức:
Các đối tượng tạo lập các website, trang mạng xã hội giả mạo với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó đăng bài quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của người dùng bằng những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Để tạo lòng tin, các đối tượng đồng phạm khác còn giả làm khách đặt hàng và tự tạo giao dịch thành công. Khi bị hại chuyển tiền, ngay lập tức các đối tượng sẽ xóa toàn bộ dấu vết về tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc. Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng bay, công ty du lịch, nhân viên khách sạn… nên có chiết khấu cao, các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.
– Khuyến cáo:
Cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch. Để yên tâm hơn có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch. Bên cạnh đó, cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Đồng thời chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền ; đối với các trang mạng xã hội nên lựa chọn trang mạng xã hội có tích xanh hoặc trang có uy tín mà bản thân biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo.

2. Lừa đảo tuyển cộng tác viên làm thêm trên mạng xã hội

– Hình thức:
Mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, tuy nhiên các đối tượng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Nhất vào thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 – 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn… Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình – thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm. Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc nạn nhân phải tiếp tục chuyển tiền. Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi… để trì hoãn việc rút tiền và yêu cầu nạn nhân nạp thêm tiền để khắc phục lỗi. Từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.
– Khuyến cáo:
Không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.

3. Lừa đảo bán hàng qua mạng

– Hình thức:
Đối tượng lập nhiều tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội Facebook và Zalo và sử dụng những tài khoản này để đăng tải nhiều hình ảnh bán hàng với nội dung thanh lý số lượng lớn trên các hội nhóm và các trang mạng xã hội. Khi có khách hàng bình luận và liên hệ hỏi mua, đối tượng sẽ gửi hình ảnh, video và gọi điện tư vấn và báo giá thấp hơn so với giá thị trường. Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng chốt đơn và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đặt tiền cọc; đồng thời đưa ra 2 hình thức gửi hàng: một là gửi xe khách, khách hàng phải chuyển trả tiền trước 100%; hai là gửi COD (chuyển phát nhanh thu hộ), khách hàng phải trả tiền trước 30%. Để tăng độ uy tín, đối tượng còn đóng hàng, chụp ảnh và gửi hàng cho nhà xe hoặc đơn vị chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế, bên trong gói hàng chỉ có các sản phẩm kém chất lượng, không có giá trị sử dụng hoặc chỉ có gạch, đá… Trong trường hợp nạn nhân gửi theo hình thức COD, đối tượng sẽ gửi thêm một số hình ảnh để nạn nhân tin tưởng và chuyển số tiền còn lại. Sau khi nhận tiền, đối tượng chặn toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo, cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt tiền.
– Khuyến cáo:
Cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

4. Dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo trên mạng

– Hình thức:
Các đối tượng mạo danh luật sư làm tại các Văn phòng Luật sư có thật và uy tín, đưa ra cho nạn nhân những lời đảm bảo có thể lấy lại được số tiền vừa mất. Để tạo lòng tin, các đối tượng còn đưa ra các thông tin dịch vụ thông báo “số tiền đang bị treo trên mạng”, có khả năng liên kết với các ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật để cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền”. Đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển phí dịch vụ thì mới thực hiện, tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng lại liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân tiếp tục thêm chuyển tiền. Nếu nạn nhân không chuyển, các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên.
– Khuyến cáo:
Luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, … để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai. Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.

Cảnh giác “dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng”
Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các nhóm đối tượng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, Công an huyện Hữu Lũng thông báo đến các cơ quan, đơn vị và Nhân dân biết, chủ động nắm tình hình, cảnh báo đến mọi người và nâng cao cảnh giác./.
Ngô Quang Huy | BBT
NHẬN THÔNG BÁO KHI CÓ TIN MỚI ĐỒNG Ý BỎ QUA